Chiến công oanh liệt nhất
“Trẫm đang say danh lợi, sợ nghe pháp Phật lỡ tin thì bỏ giang sơn, sự nghiệp cho ai”. Ðây là câu nói của Hoàng đế Vô Trách Niệm trả lời với đạo thần Bảo Hải.
Vua Vô Trách Niệm là một vị Hoàng đế danh tiếng lẫy lừng nhất trong thời xưa ấy. Vua có tài dẹp giặc nên trăm trận trăm thắng, đi đến đâu thì các nước đều qui phục, và người ta dâng vua rất nhiều mỹ nữ. Trong số tám ngàn cung nữ, người được vua sủng ái nhất là Mai Phi và Lan Phi của hai nước đem dâng trong khi làm lễ đầu hàng.
Nhưng có lẽ “chiến công oanh liệt nhất” của vị Hoàng đế thanh danh ấy là một hôm mải say sưa với phép dụng binh, để sửa soạn chinh phục thêm mấy nước, lại đương triền miên trong dục lạc, thì vị cận thần của vua là Ngài Bảo Hải đến mời vua đi nghe Ðức Bảo Tạng thuyết pháp. Vua cười: Trẫm đương say danh lợi sợ nghe pháp Phật lỡ tin thì giang sơn sự nghiệp bỏ cho ai? Ðại thần Bảo Hải làm thinh. Nhưng vua ngoảnh lại tìm người sắp sẵn xe giá để vua đi hành lễ.
Thế rồi tất cả đình thần, tám nghìn cung nữ chánh cung Hoàng hậu và Mai Phi, Lan Phi cùng theo vua đi yết kiến Ðức Bảo Tạng Như Lai. Sau khi được nghe pháp Phật xong, vua và Hoàng hậu phát tâm cúng dường Phật cùng Chúng Tăng đầy đủ tứ sự trong 3 tháng.
Sau thời gian 3 tháng cúng dường xong, Ðại thần Bảo Hải tâu vua: Trong tất cả các pháp cúng dường Chư Phật, thì chỉ có pháp Bồ Ðề Tâm - Chỉ có phát triển cái tâm trên cầu thành tựu quả Phật dưới nguyện độ tất cả chúng sanh mới là hơn hết.
Trong một tuần suy nghĩ kỹ, vua Vô Tránh Niệm quyết trường từ bảo vị trước Phật Bảo Tạng Ngài xin xuất gia làm Sa môn. Trong một đời vua Vô Tránh Niệm đánh đông dẹp bắc, trăm trận trăm thắng. Nhưng chỉ có trận giặc lòng này mà ngài đã thắng mới là chiến công oanh liệt nhất.
Ngài Pháp Tạng Tỳ Kheo (vua Vô Tránh Niệm) đối trước Ðức Phật Bảo Tạng mạnh mẽ phát bốn mươi tám nguyện. Khi Ngài phát nguyện xong thì cả đại địa đều rúng động, vì nguyện nào cũng chứa chan tha thiết một ý niệm cầu cho tất cả chúng sanh thoát khổ được vui, vì thế Ðức Bảo Tạng thọ ký cho ngài, sau này sẽ thành Phật hiệu A Di Ðà làm giáo chủ cõi nước Cực Lạc.
Phát nguyện rồi Ngài tinh tấn lo tu phước đức. Trong thời gian tu phước, Ngài đã làm tất cả những việc khó làm, nhẫn tất cả những việc khó nhẫn. Giữ gìn thân khẩu ý thanh tịnh, thường hòa thân vào trong các loài, thọ dụng như chúng để tiện bề giáo hóa. Cứ như thế trải vô lượng kiếp cần khổ, tích lũy công đức, đến khi thành Phật thì được phước báo sống lâu vô lượng, nên hiệu Ngài là: “VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT”.
Ngài lại giữ gìn phạm hạnh, siêng tu thiền định nên trí tuệ càng ngày càng sáng suốt, cho đến khi huệ tánh bao trùm cả thái hư thì ngài thành Phật niên hiệu là “VÔ LƯỢNG QUANG”.
Từ khi phát tâm ban đầu cho đến khi thành Phật, tất cả việc làm, lời nói, ý nghĩ gì Ngài cũng hồi hướng về chúng sanh cả. Vì thế nên chúng sanh ở cõi Ta Bà có rất nhiều duyên với Ngài, nếu nhất tâm chuyên niệm danh hiệu Ngài dù tối thiểu trong một ngày mười niệm, mà tha thiết cầu sanh về nước Ngài thì hiện đời này sự sống sẽ yên ổn, khi lâm chung chắc chắn được vãng sanh. Khi đã sanh về Cực Lạc thì sẽ được thần thông tự tại, có thể đi khắp tam giới, thấy suốt mười phương và biết được trong ba đời, không còn bị khổ, không có chướng duyên, nên ai đã được may mắn sanh về Cực Lạc thì dễ tu chứng không còn sợ phải trở lại lăn lóc trong cõi Ta Bà này nữa.
Vua Vô Tránh Niệm đầu tiên chứng được thiên nhãn thông, Ngài mới biết đại thần Bảo Hải là thiện tri thức, nhờ thiện tri thức kích phát bồ đề tâm vua Vô Trách Niệm mới thành Chánh Giác.
Ðại thần Bảo Hải chính là tiền nhân của Ðức Thích Ca, Ðức Thích Ca là thiện tri thức của Ðức Di Ðà, mà hiện nay Ngài là Minh Sư của chúng ta…